Yếu tố quyết định đến sự hạnh phúc ? Nghiên cứu từ đại học Harvard

Con người chúng ta kể từ khi bắt đầu có nhận thức đều đồng ý rằng: Hạnh phúc là điều mà họ luôn tìm kiếm trong cuộc đời mình. Vậy, điều gì mang đến cho con người cảm giác hạnh phúc bền lâu ? Câu trả lời đã được các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard của Mỹ giải đáp sau khi tiến hành một cuộc nghiên cứu dài đến 75 năm…

Kết luận của các nhà nghiên cứu này là: "Bất kể giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, điều khiến con người ta vui vẻ và khỏe mạnh hơn đó chính là những mối quan hệ tốt đẹp."

Điều này có nghĩa là những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp đóng vai trò rất lớn đối với sự hạnh phúc của mỗi một con người trong cuộc đời này.

Vậy, làm cách nào để chúng ta có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống?

Trong cuốn sách mang tên "Cảm ơn bạn" của tác giả người Nhật Matsuura Yataro – một người được mệnh danh là "người đàn ông hiểu cuộc sống nhất của Nhật Bản" có chia sẻ về những cảm ngộ và suy ngẫm về cuộc đời của chính ông về cách điều chỉnh các mối quan hệ cá nhân, giữ gìn những tình cảm quý giá trong cuộc sống.

Dưới đây là 5 chia sẻ đáng quý trong cuốn sách, hi vọng nó sẽ giúp ích và truyền cảm hứng cho các bạn.

1. Quan hệ có tốt tới đâu, cũng không cần phải như hình với bóng

Trong cuốn sách, Matsuura Yataro có nói: nếu bạn muốn duy trì một mối quan hệ nào đó mãi mãi, bạn phải có ý thức quan sát và điều chỉnh khoảng cách giữa hai bên, quá xa thì kéo nó gần lại một chút, còn nếu gần quá thì hãy lùi lại một bước nhỏ.

Đôi khi chúng ta suy nghĩ rằng đã là bạn bè với nhau là phải như hình với bóng, luôn ở bên nhau, quan tâm tới nhau trong mọi thời gian. Thế nhưng, có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng, càng lớn, chúng ta càng có nhiều điều phải lo, nhiều công việc phải thực hiện, vì thế, việc gắn chặt với nhau như hình với bóng là điều không thể.

Điều chúng ta có thể làm để giữ gìn tình bạn đó là hãy nghĩ tới nhau và giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi người kia cần đến bạn một cách chừng mực, song song với đó hãy làm tốt những công việc và trách nhiệm khác của mình.

Thân thiết cũng không có nghĩa là phải rút ngắn khoảng cách càng nhiều càng tốt, bạn không cần phải tự hạ mình, tự khiến mình tủi thân chỉ để làm hài lòng người khác, nhưng cũng đừng miễn cưỡng người khác đến để làm thỏa mãn chính bản thân.

Cần phải nhớ, bạn bè với nhau, quan tâm, suy nghĩ cho nhau, là tình nghĩa; có chừng mực chính là bổn phận. 

2. Dù là lời nói nào, hãy nghĩ kĩ trước khi nói

Thế gian này, sự hiểu lầm khiến con người ta bất lực nhất đó chính là "người nói vô ý, người nghe bận tâm".

Một câu nói vô ý, có thể đem lại cho người khác sự ấm áp, nhưng cũng có thể đâm chọc vào điểm nhạy cảm của người khác để rồi tạo thành những tổn thương khó lành.

Matsuura Yataro cho rằng: ngôn ngữ là một vũ khí rất nhạy bén, tính sát thương cao, cũng chính vì vậy mà chúng ta càng phải thận trọng khi sử dụng chúng. Bởi lẽ thuốc giải cứu người đôi khi cũng có thể trở thành thuốc độc cướp đi sinh mạng của họ.

3. Không tùy tiện đánh giá người khác

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng mang tên "hiệu ứng hào quang".

Có nghĩa là khi ai đó có ấn tượng tốt hay xấu về một đặc điểm nào đó của một người, họ sẽ có xu hướng suy ra những đặc điểm khác của người đó dựa trên điều này.

Ấn tượng phóng đại này dễ dẫn đến những nhận định sai lầm. Việc dán nhãn và định nghĩa người khác trong một khuôn khổ nào đó là thiếu tôn trọng họ và đồng thời cũng khiến bản thân trở nên nông cạn trong mắt người khác.

Matsuura Yataro cho rằng: kiến thức có thể trở thành sức mạnh cho bạn, nhưng nếu quá thông minh, bạn sẽ dần mất đi khả năng cảm nhận. Những kiến thức dùng để phân loại người khác, vốn dĩ là không cần thiết.

Với Matsuura Yataro, phán đoán một người có đáng để kết giao hay không, cần chúng ta tự mình đi cảm nhận.

Nghe hơi nồi chõ, chưa chắc đã là thật; mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là chân tướng. Chỉ khi tự mình đi cảm nhận, bạn mới có được sự lý giải và phán đoán của riêng mình.

4. Đừng xem người khác là cái thùng rác cho bạn trút bỏ cảm xúc

Tác giả Matsuura Yataro có nói: “Chẳng có ai ở cùng người động một tý là kêu ca phàn nàn mà lại vui được cả”. Ông cũng nói rằng: “Ca thán là một cảm xúc vô cùng cá nhân, vừa cá nhân, vừa tiêu cực, và nó không nên được phát ra từ một người trưởng thành và chín chắn”.

Vì vậy, khi muốn phàn nàn hay oán than điều gì đó, hãy nghĩ cho kĩ, hãy tự suy ngẫm lại chính mình trước.

Có một vài cảm xúc, chỉ có thể tự mình hóa giải, tự mình bài trừ. Bạn cần phải ngừng phàn nàn, học cách buông tay, có như vậy, bạn mới phát hiện được ra rằng, thế gian này còn nhiều điều đáng để bạn chia sẻ với mọi người hơn.

5. Dành thời gian cho những người quan trọng 

Từng có một số liệu điều tra như này:

Trung bình hơn 70% mọi người dành chưa đến một giờ với bạn đời của họ mỗi ngày; 63% nhân viên công sở thành thị có ít hơn 3 buổi họp mặt gia đình mỗi năm; 75% cha mẹ trẻ bỏ lỡ lần nói chuyện bập bẹ đầu tiên của con cái họ vì công việc.

Matsuura Yataro cho rằng: học cách dành thời gian cho những người quan trọng là một năng lực không thể thiếu trong quan hệ giữa người với người.

Trong một xã hội phát triển nhanh như hiện nay, ai ai cũng bận rộn, nhưng vẫn luôn có người biết cách phân bổ thời gian để có thể ở bên và thể hiện sự quan tâm với những người thân yêu.

Đó cũng chính là lý do vì sao mà chúng ta luôn nói: ở bên, chính là lời tỏ tình lãng mạn và lâu dài 

Trên đây là bài viết do Maya Gold sưu tầm và trân trọng gửi tới quý khách hàng như một lời tri ân của chúng tôi đối với sự ủng hộ và theo dõi của quý khách. Hi vọng rằng tất cả mọi người chúng ta đều đã, đang và sẽ có cho mình những mối quan hệ tốt đẹp, tích cực và tận hưởng một cuộc sống thật sự hạnh phúc.

Những bài liên quan