Khám phá văn hóa trà phương Tây

Nhắc đến trà, người ta thường nghĩ đến một thức uống đậm nét Á Đông. Thực tế trà là thức uống phổ biến toàn cầu, được cả thế giới ưa chuộng. Những quốc gia sản xuất trà lớn nhất thế giới thường là các quốc gia Châu Á, Châu Phi, nhưng các nước phương Tây mới là nơi tiêu thụ trà nhiều nhất. Văn hóa trà ở các quốc gia phương Tây cũng đã hình thành được hàng trăm năm, đặc sắc không kém gì văn hóa trà phương Đông.

Thưởng thức trà Anh Quốc tao nhã

Theo tờ báo nổi tiếng Telegraph, nước Anh đứng tứ 3 trong dành sách 10 nước tiêu thụ nhiều trà nhất thế giới. Trung bình một người Anh sử dụng hết 1,94kg trà/năm.

Nói tới trà Anh không thể thiếu tiệc trà chiều. Phong cách uống trà của người Anh hình thành từ thế kỷ 17, khi nữ công tước đời thứ 7 của Bedford, Anna Maria Russell, mời bạn bè đến dự những buổi tiệc trà. Dần dần tiệc trà kiểu Anh trở thành một nghi thức xã hội thú vị. Trà Assam, Darjeeling, Earl Grey là ba loại được ưa chuộng nhất. Người Anh rất tinh tế trong việc lựa chọn ấm sứ, chén trà cũng như các loại bánh ngọt ăn kèm. Ấm chén thường có hoa văn cổ điển, màu sắc trang nhã. Tiệc trà thường diễn ra lúc 4 giờ chiều trong vườn hoặc trong không gian ấm cúng, sang trọng.

Trước đây trà là thức uống xa hoa chỉ giới quyền quý mới thưởng thức. Theo thời gian, tiệc trà đã trở nên bình dân hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh tế, trang nhã vốn có. Bên cạnh tiệc trà, người Anh hiện đại sử dụng trà trong bữa sáng, và xế chiều. Tại đây trà thường được phục vụ kèm đường và sữa để người uống tùy ý gia giảm.

Phong cách nhanh gọn của người Mỹ

Thực tế thì người Mỹ ưa chuộng cà phê hơn là trà. Trà đã trải qua thời kỳ cực thịnh ở Mỹ vào giữa thế kỉ 18, cho đến khi vấn đề thuế trà trở nên căng thẳng giữa Anh và Mỹ (lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh). Mẫu thuẫn này dẫn đến sự kiện Tiệc trà Boston, người Mỹ ném những thùng trà xuống nước để phản đối thuế trà. Uống trà vào thời điểm đó được coi như không có lòng yêu nước. Các đồ uống khác như cà phê dần trở nên phổ biến hơn trà. Tuy nhiên ngày nay, Mỹ cũng tiêu thụ một lượng trà đáng kể.

Không cầu kỳ và kiểu cách, người Mỹ ưa chuộng một ly trà đơn giản nhất có thể. Nếu như tiệc trà kiểu Anh đem lại cảm giác xa hoa thì với trà Mỹ lại là thức uống vô cùng thân thiện và dễ tiếp cận.

Người Mỹ rất thích uống trà lạnh. Đây là nơi mà trà túi lọc, trà hòa tan được ưa chuộng số 1 bởi tính tiện lợi của chúng. Khác với nhiều quốc gia thích vị trà nguyên chất đắng chát, người Mỹ lại thích trà có vị ngọt. Trà thường có vị ngọt sẵn, hoặc pha kèm với siro, trái cây.

Trà Nga và chiếc ấm Samovar đặc trưng

Dấu mốc đầu tiên của trà Nga là năm 1638, khi người trị vì Mông Cổ Altyun-Khan tặng trà cho Nga Hoàng Michael I. Ban đầu trà cũng chỉ dành cho quý tộc bởi giá trà rất cao, do vận chuyển từ các nước khác đến tốn nhiều công sức. Ngày nay trà đã trở thành thức uống bình dân tại Nga, ai cũng có thể thưởng thức. Người dân Nga rất chuộng hương vị đậm đà của trà đen, nhất là trà nhập từ Ấn Độ, Srilanka.

Tại xứ sở Bạch Dương, trà thường được thưởng thức sau bữa ăn, kèm với bánh như một bữa tráng miệng. Họ cũng thường uống trà kèm một lát chanh.

Nói đến trà Nga không thể không nhắc tới ấm Samovar. Ấm Samovar làm bằng kim loại, là dụng cụ pha trà đặc biệt của Nga. Người ta làm nóng ấm bằng cách đốt củi. Phía trên ấm có một bình nhỏ, người ta pha trà đặc vào đây, hơi nóng bốc lên sẽ hòa tan tinh chất trà. Vặn vòi nhỏ ở bên cạnh ấm, thế là đã có một tách trà nóng hổi. Không chỉ là dụng cụ pha trà đơn thuần, ấm Samovar còn được trang trí rất đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Khách du lịch đến Nga thường mua loại ấm này như một món quà kỉ niệm. Ấm Samovar là biểu tượng của sự nồng ấm trong gia đình, lòng hiếu khách, sự thịnh vượng.